Friday, January 15, 2016

Thị trường tạo lập những điểm số còn chuyên gia chứng khoán đi dự báo chúng, cụ thể hơn là đi lượng hóa các yếu tố có ảnh hưởng để nhận định diễn biến và điểm số. Năm 2015, thị trường chứng khoán có nhiều biến động khó lường, do đó thực tế khách quan và sự chủ quan trong dự báo khó gặp được nhau. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định chính xác của các chuyên gia chứng khoán cả về xu hướng lẫn điểm số của VN-Index.

Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2015 đã trải qua nhiều biến động với cảm xúc trái ngược nhau. Nếu như quý 1 thị trường hứng khởi và chạy đà tốt bằng những phiên tăng mạnh (VN-Index đã đạt mốc 600 điểm) thì sang quý 2 chỉ số điều chỉnh rồi tạo lập đáy vào tháng 5. Đến tháng 6 và 7, sự hồi phục vững chắc của thị trường cộng với sự thăng hoa của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp chỉ số vươn xa về đỉnh cũ 640 điểm. Để rồi sau đó, một lẫn nữa nhà đầu tư (NĐT) nuối tiếc và đành nhìn thị trường lao dốc mất hơn 115 điểm (do tác động từ Trung Quốc phá giá NDT) trong tháng 8, nhưng rồi thị trường đã hồi phục trở lại trong quý 4 nhờ hiệu ứng “SCIC thoái vốn”. Kết thúc phiên 31/12/2015, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 579.03 điểm, tăng nhẹ 6% so với đầu năm.
Đồ thị chỉ số VN-Index trong 2015

Nguồn: ptkt.vietstock.vn/
Những dự báo đầu năm đều dựa cùng một cơ sở là triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam nhưng mỗi chuyên gia lại đưa ra con số cho VN-Index rất khác nhau. Cụ thể, trong bài trao đổi vào những ngày cuối tháng 1/2015, bà Trần Thị Kim Cương - Trưởng bộ phận Chứng khoán của Manulife (Vietnam) Asset Management nhận định: “Chúng tôi lạc quan về chứng khoán Việt Nam năm nay”. Khi đó, bà dự báo VN-Index đạt khoảng 655 điểm cuối năm 2015. Trong đó cổ phiếu ngân hàng có cơ hội tăng ngắn hạn sau khi NHNN tuyên bố đẩy mạnh hoạt động sáp nhập. Cũng trong giai đoạn này, ông Patrick Mitchell - Trưởng bộ phận Khách hàng tổ chức của CTCK Vina(VinaSecurities) tại Tp.HCM lạc quan hơn khi cho rằng chỉ số VN-Index đạt đỉnh 680 điểm trong năm 2015. Mặc dù hai dự báo này có lý lẽ đúng đắn nhưng đã không chính xác về điểm số khi VN-Index không vươn xa hơn vùng 640 điểm (tương ứng đỉnh năm 2014).
Sau đó không lâu, CTCK KIS Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán 2015” chiều ngày 26/01, trong đó ông Yun Hang Jin - GĐ khối thị trường mới nổi của Công ty Korea Investment & Securities phát biểu rằng “VN-Index có khả năng tăng trở lại mức cao nhất đạt được năm 2014 ở ngưỡng trên dưới 650 điểm”. Tưởng như thị trường có thể làm tốt hơn thế nhưng cuối cùng thì ông Jin đã dự báo đúng cho cả năm 2015.
Cổ phiếu ngân hàng “trỗi dậy” quý 1
Trong quý 1, VN-Index đã tăng 10% so với đầu năm, lên mốc 600 điểm. Điều này khá sát với nhận định từ đầu năm, ứng với VN-Index đang giao dịch quanh 570 điểm, của bà Nguyễn Mai Phương– GĐ Trung tâm nghiên cứu của CTCK Maritime (MSI). Sự tự tin của bà Phương là có cơ sở khi bà cho rằng các cổ phiếu vốn hóa lớn, tiêu biểu là sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB,MBB, BID, CTG…đang hỗ trợ tốt cho thị trường.
Tuy nhiên, quá trình chinh phục 600 điểm không hề dễ dàng mà thực tế lại gặp không ít khó khăn như giai đoạn cuối tháng 1, khi VN-Index rung lắc mạnh vùng 560 – 580. Lúc đó ông Nguyễn Xuân Bình – PGĐ Phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS) là người đưa ra dự báo đúng về xu hướng ngắn hạn với khẳng định thị trường chưa tạo đỉnh ngắn hạn. Theo ông Bình, dòng tiền dù chịu tác động của Thông tư 36 có hiệu lực từ tháng 2 nhưng TTCK hồi phục với xu thế phân hóa theo kết quả kinh doanh, VN-Index trước Tết Âm có thể lên vùng 590-595 điểm. Quả thực, thị trường chỉ điều chỉnh tạm thời rồi đảo chiều tăng liên tiếp lên mốc 600 điểm ngày 04/03.
Tạo đáy đi lên, quý 2 củng cố xu hướng
Sang đầu quý 2, tâm lý NĐT bị tác động tiêu cực sau khi VN-Index làm một lèo 6 phiên mất điểm kèm theo diễn biến khối ngoại bán ròng mạnh. Nhưng nếu để ý, NĐT đã nhận ra dự báo hoàn toàn chính xác của ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS). Ông Bình đã có cái nhìn khách quan khi cho rằng VN-Index được hỗ trợ tốt tại vùng 540 điểm, do đó khả năng hồi phục ngắn hạn rất cao. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định VN-Index đã tạo đáy vì các thông tin có sức ảnh hưởng và tạo sự đột biến vẫn chưa xuất hiện để nâng đỡ thị trường. Thực tế, thị trường hồi phục đầu tháng 4 nhưng áp lực bán gia tăng nên tiếp tục lao dốc cho đến 18/05 mới chính thức tạo đáy.
Ngược lại, trong bài phỏng vấn 22/05 (chỉ sau 4 phiên hồi phục từ đáy), ông Hoàng Công Tuấn – Chuyên viên phân tích CTCK MB (MBS) lại cho rằng thị trường có thể diễn biến xấu hơn và VN-Index có thể giảm về 520 điểm. Theo ông Tuấn, cả TTCK đã bổ sung thêm 76 tỷ cp trong 2014 và tiếp tục kế hoạch phát hành rất hoành tráng trong 2015. Hậu quả là, lợi nhuận của doanh nghiệp bị pha loãng khiến cho giá cổ phiếu đi xuống. Dự báo này đã không đúng trong ngắn hạn do chưa tính hết tác động tích cực từ thông tin hỗ trợ, nhưng về điểm số đã chính xác trong giai đoạn thị trường lao dốc vào tháng 8.
Thị trường tăng nóng trong quý 3
Trong một nhận định vào đầu tháng 7, ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn của CTCK Vndirect (VND) cho rằng diễn biến thị trường quý 3 tiếp tục thuận lợi khi có nhiều thông tin tích cực tác động như Nghị định 60 và Thông tư 123. Chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 600 điểm hồi quý 1, khối ngoại quay lại mua ròng với cường độ mạnh và nhóm ngân hàng đảm nhiệm vai trò dẫn dắt. Ông Điệp tin tưởng VN-Index đạt điểm số 630-650 khi kết thúc quý 3/2015, và nếu không có gì bất ngờ thì cuối năm 2015 tăng lên 680 điểm.
Đây là một dự báo ngắn hạn khá chuẩn xác, nhưng ông Điệp không phải người duy nhất. Cùng khoảng thời gian này, ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó phòng Phân tích của CTCK MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng và bất động sản, VN-Index kỳ vọng có thể tiệm cận vùng giá cao nhất đã tạo lập trong năm 2014. Ngày 17/04, chỉ số chính thức tiếp cận 640 điểm và là mức đỉnh trong 2 năm liên tiếp.
Nhưng lên đỉnh chưa lâu, thị trường đã phải nhận "cú tát" đau trong tháng 8 khi VN-Index có dấu hiệu phân phối đỉnh, cộng thêm sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT. Kết quả là VN-Index đã bốc hơi gần 20% (hơn 115 điểm) và xác lập đáy vào ngày 24/08, tương ứng với 527 điểm.
Sau đó một ngày, theo nhận định của ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược đầu tư của CTCK Maritime (MSI). Ông Khánh tuyên bố thị trường đã xác lập đáy trong ngắn hạn do chỉ số không thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 513-515 điểm. Ngoài ra, lực cầu quay lại một vài cổ phiếu lớn đã góp phần tạo tâm lý tích cực hơn. Thời điểm đó không nhiều chuyên gia đưa nhận định về đáy của thị trường, nên với dự báo “bắt đáy” chuẩn xác này, ông Khánh đã ghi điểm trong mắt NĐT.
Quý 4 phục hồi lên 600 – 610 điểm trước khi điều chỉnh
Thị trường diễn biến khá sôi động trong nửa đầu tháng 10 với thông tin Hiệp định TPP đàm phán thành công và SCIC sẽ tiến hành thoái vốn ở một số doanh nghiệp như FPT, VNM, BMP, BMI... VN-Index tăng lên 590 điểm trong sự hoài nghi của NĐT.
Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm phân tích thị trường của CTCK Ngân hàng BIDV (BSI) khi đó dự báo: “Nhiều khả năng thị trường vận động tăng giảm xen kẽ giữa các tháng và đóng cửa ở mức 580 điểm (± 5%) vào cuối năm 2015”, hàm ý thị trường không có biến động mạnh với khoảng thời gian còn lại.
Sang đầu tháng 11, VN-Index đảo chiều sau nỗ lực đẩy lên gần 90 điểm. Tuy nhiên, xét trong dài hạn không có nhiều yếu tố tiêu cực có thể gây tác động mạnh để bẻ gãy xu hướng hiện tại. Do đó, ông Nguyễn Hồng Khanh - Trưởng phòng phân tích của CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) nhận định rằng điểm rơi của thị trường cuối năm nằm trong khoảng 570 – 585 điểm.
Thực tế, thị trường tháng 12 dao động trong khoảng 560 – 580 và đóng cửa phiên 31/12/2015 tại 579.03 điểm, khá trùng với nhận định của ông Khoa và ông Khanh đã đưa ra./.

Theo Vietstock.vn

0 nhận xét:

Post a Comment