Friday, May 20, 2016

Đừng bao giờ đổ tiền quá nhiều vào 1 cổ phiếu. Đó là 1 nguyên tắc quan trọng trong “101 Nguyên tắc Đầu tư”.

Hành động đó quá rủi ro. Nếu giá cổ phiếu đó chìm nghỉm, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian. Minh chứng cho sai lầm này là một trường hợp hiện đang diễn ra trên Phố Wall.
Một số nhà đầu tư “ngôi sao” trên Phố Wall (đôi khi còn được gọi là “bậc thầy của vũ trụ”) đã đổ rất nhiều tiền – hàng tỷ USD – vào một công ty dược của Canadia có tên Valeant.
Không may cho họ, cổ phiếu Valeant đã lao dốc từ mức hơn 260 USD/ccq vào đầu tháng 8/2015 xuống chỉ còn 31 USD/ccq trong thời điểm hiện tại, tức bốc hơi gần 90%.
Công ty này cũng đã thừa nhận “tiến hành các hoạt động không hợp lý”, sa thải CEO và cảnh báo có thể vỡ nợ trong tháng 4 này.
Bên cạnh đó, Valeant cũng đang bị điều tra bởi Quốc hội Mỹ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (S.E.C) và một số người đứng đầu cơ quan tư pháp của các bang. Chiến lược mua thuốc cũ hơn và nâng giá của công ty không đúng với quy định của các cơ quan quản lý.
Đà lao dốc chóng mặt của cổ phiếu Valeant đang làm giảm danh tiếng của vua đầu cơ Bill Ackman (Chủ tịch Pershing Square) và tỷ phú John Paulson (Chủ tịch Paulson & Co.), cũng như nhà quản lý quỹ tương hỗ Robert Goldfarb và một số người khác.
Sau 45 năm gây dựng sự nghiệp với những thành công rực rỡ, ông Goldfarb bất ngờ nghỉ hưu vì một bước đi sai lầm. Các nhà đầu tư tại Quỹ Sequoia Fund của ông đã không hài lòng với sự thua lỗ.
Một năm quá tồi tệ của Bill Ackman
Những “bậc thầy của vũ trụ” yêu cầu mức phí theo kiểu Cadillac. Đổi lại, nhà đầu tư kỳ vọng vào một kết quả hoạt động khả quan.
Quỹ Pershing Square của Ackman hiện đã giảm 40% trong vòng một năm qua.
“Ông đã quét sạch thành quả của 3 năm”, nhận định của Raul Moreno, nhà sáng lập iBillionaire, một ứng dụng theo dõi các khoản đầu tư và kết quả hoạt động của nhiều nhà đầu tư nổi tiếng như Warren Buffett và Ackman.
Điều khiến quỹ của Ackman thu hút được sự chú ý là do ông là một nhà đầu tư “có sức thuyết phục cao”. Đó cũng là lý do tại sao quỹ của ông chỉ sở hữu 10 cổ phiếu hoặc thậm chí ít hơn. Được biết, một quỹ đầu tư thông thường sở hữu khoảng 40-50 cổ phiếu.
Khi một trong những cổ phiếu của Ackman tăng vọt hay chìm nghỉm, thì tác động lên kết quả hoạt động của quỹ là rất lớn. Ackman đã mua phần lớn cổ phiếu Valeant với giá bình quân là gần 200 USD/ccq.
“Tôi luôn lo ngại vì ông ấy có một danh mục rất tập trung”, Moreno cho biết. “Chắc chắn, ông ấy là một trong những nhà quản lý quỹ rủi ro nhất trong ngành”.
Theo Moreno, quỹ quan trọng nhất của tỷ phú Paulson hiện cũng đã giảm khoảng 30% trong vòng một năm qua.
Rất có thể cổ phiếu Valeant sẽ đảo chiều. Chính Ackman cũng đã gia nhập hội đồng quản trị của công ty và cam kết sẽ “gắn bó với vai trò lãnh đạo mới”.
Ackman vẫn đang quản lý khoảng 12 tỷ USD. Trong lá thư gửi đến các nhà đầu tư của mình trong tháng 1, ông cho biết các nhà quản lý quỹ tuyệt vời cần phải “hạ mình thừa nhận khi mắc sai lầm”.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra với cổ phiếu Valeant là một lời cảnh báo đối với tất cả những nhà đầu tư trên Phố Wall (Wall Street) và trên Phố Thương mại (Main Street) về những cạm bẫy của việc quá ưa thích một doanh nghiệp nào đó./.

Sự biến động khá bất thường của thị trường đã khiến cho những nhà đầu tư “thụ động” cảm thấy khó thích nghi. Hy vọng bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn và duy trì "sự sống còn" trên thị trường chứng khoán.

“Lướt sóng” là gì?
“Lướt sóng” là một khái niệm khá bình dân trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận hầu như không mấy thiện cảm với những nhà đầu tư “lướt sóng”.
Trên thực tế, hoạt động lướt sóng ngắn hạn giúp tăng quy mô của dòng chảy vốn trên thị trường và tăng tính thanh khoản của cổ phiếu.
Với quan điểm đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư mua khi giá xuống và bán ngay khi giá lên cũng giúp thị trường thăng bằng tạm thời.
Một số chiến lược có thể áp dụng khi “lướt sóng”
Ăn theo khối ngoại. Khối ngoại có vẻ như đã thay đổi quan điểm đầu tư và liên tục lướt sóng trong khoảng 3 năm gần đây. Thực tế số liệu đã cho thấy họ giao dịch khá hiệu quả.
Do khối ngoại có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của thị trường Việt Nam nên việc nhiều nhà đầu tư giao dịch theo khối ngoại cũng đem lại những kết quả khả quan.
Những cổ phiếu khối ngoại mua ròng liên tục thì cần đưa vào danh sách theo dõi. Trong khi đó, những cổ phiếu nào bị khối này bán ròng mạnh liên tục thì nhà đầu tư cần tránh xa để hạn chế thua lỗ bất ngờ.
“Buy on Bad news, Sell on Good news”. Nguyên tắc này cũng được áp dụng khá nhiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên kết hợp nó với nhóm MA để gia tăng thêm tính hữu dụng.
Một cổ phiếu ra tin tốt nhưng giá đang nằm dưới đường MA dài hạn thì việc bán ra theo nguyên tắc “Sell on Good news” sẽ dễ thành công hơn là khi giá nằm trên MA dài hạn.
Tương tự, một cổ phiếu ra tin xấu nhưng giá đang nằm trên đường MA dài hạn thì việc mua vào theo nguyên tắc “Buy on Bad news” sẽ dễ thành công hơn là khi giá nằm dưới MA dài hạn.
Sử dụng vùng overbought/oversold. Nhà đầu tư thường có thói quen giao dịch là bán ra ngay khi các chỉ báo dao động vừa đi vào vùng quá mua (overbought) và mua vào ngay khi các chỉ báo dao động vừa đi vào vùng quá bán (oversold). Chiến lược giao dịch này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi thị trường đi ngang (sideway), còn trong giai đoạn có biến động rất mạnh thì chiến lược này khó mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao. Giao dịch theo chiến lược này, nhà đầu tư dễ rơi vào tình thế mua/bán quá sớm so với đáy/đỉnh thực sự của cổ phiếu.
Một cách tiếp cận khác tỏ ra có hiệu quả cao là đợi đến khi các chỉ báo dao động rơi khỏi vùng quá mua (overbought) mới bán ra và các chỉ báo dao động vượt lên trên vùng quá bán (oversold) thì mới mua vào.
Có thể lấy một ví dụ khá điển hình trong những năm qua là trường hợp của cổ phiếu VNM. Trong toàn bộ thời gian giao dịch từ giữa tháng 10/2015 đến tuần thứ ba của tháng 11/2015, VNM liên tục tăng trưởng mạnh và chỉ báo Stochastic Oscillator cũng duy trì liên tục trong vùng quá mua (overbought).
Nếu một nhà đầu tư mua vào theo tín hiệu mua của Stochastic Oscillator vào đầu tháng 10/2015 và lại bán ra ngay khi chỉ báo này vừa mới đi vào vùng overbought thì lợi nhuận thu được sẽ rất thấp (khoảng 10%). Nếu chờ đến khi Stochastic Oscillator rơi khỏi vùng overbought mới bán ra thì lợi nhuận sẽ lên đến 30%. Vì vậy, đây là một chiến lược đáng để học hỏi và sử dụng.

Chuyển nhượng nhà, đất phải lập hợp đồng và phải được công chứng hoặc chứng thực (trừ trường hợp kinh doanh bất động sản).

Người mua bán nhà, đất cần lưu ý những gì để giao dịch được suôn sẻ, hợp pháp... là một trong các nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm tại buổi giao lưu trực tuyến “Công chứng, chứng thực hợp đồng nhà, đất” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 18-5.
Các khách mời tham gia trao đổi, giải đáp tại buổi giao lưu gồm có: Các bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; Dương Thị Thanh Lan, Phó phòng Bổ trợ tư pháp; Lê Thị Phương Liên, Trưởng Văn phòng công chứng Lê Thị Phương Liên; Nguyễn Thị Quỳnh Triều, Phó phòng Tư pháp quận 1, cùng hai ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng (PCC) số 1; Từ Dương Tuấn, Trưởng PCC số 5.
Hợp đồng nào đi công chứng, chứng thực?
Bạn đọc Phạm Văn Tánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thắc mắc: “Tôi có thửa đất vườn chưa chuyển mục đích lên đất thổ cư. Muốn chuyển nhượng, tôi có thể đến UBND chứng thực hợp đồng hay phải đi công chứng?”.
Công chứng viên (CCV) Từ Dương Tuấn, Trưởng PCC số 5 (TP.HCM), trả lời: Hiện nay, theo Quyết định số 31 ngày 20-5-2011 của UBND TP.HCM quy định về thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn TP.HCM thì hợp đồng chuyển nhượng đất nói chung (bao gồm cả đất vườn) được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.
Cũng liên quan đến việc chuyển nhượng đất, một bạn đọc hỏi: Hợp đồng chỉ có chứng thực chữ ký của chính quyền địa phương mà không có công chứng thì có hiệu lực không? CCV Tuấn giải thích: “Theo Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì việc chuyển nhượng nhà, đất phải được lập hợp đồng và công chứng hoặc chứng thực (trừ trường hợp kinh doanh bất động sản). Đối với các tỉnh, thành chưa chuyển giao thẩm quyền công chứng, chứng thực từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thì hợp đồng này có thể được chứng thực (nhưng phải thực hiện với hình thức chứng thực hợp đồng chứ không chứng thực dưới dạng chứng thực chữ ký).
Cùng chung tâm trạng sẽ bỏ ra số tiền lớn để mua nhà nên cần hỏi thăm kỹ lưỡng, bạn đọc Do Thanh Giang (Kiên Giang) và Nguyễn Thị Hiền buôn bán ở quận 6 (TP.HCM) đề nghị “chỉ giúp chúng tôi phải làm gì trước khi ra công chứng ký mua bán”.
CCV Nguyễn Trí Hòa, Trưởng PCC số 1 (TP.HCM), lưu ý:
1. Khi mua nhà hay mua đất, hay mua cả nhà và đất, bạn phải xem xét nhà, đất đó có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ không (giấy chứng nhận).
2. Người bán có phải là người được đứng tên trên giấy tờ nhà, đất.
3. Đến UBND phường, quận tìm hiểu thông tin quy hoạch về nhà, đất mà bạn có ý định mua.
4. Diện tích nhà và đất giữa thực tế và giấy tờ có phù hợp với nhau không. Liên hệ tổ chức hành nghề công chứng tìm hiểu thông tin ngăn chặn hoặc hạn chế giao dịch đối với nhà, đất.
5. Mỗi địa phương đều có quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Vì vậy, khi bạn không rõ có đủ điều kiện tách thửa không (3 x 10 m) thì nên liên hệ với cơ quan chức năng ở địa phương để nắm thông tin.
6. Ngoài ra, bạn liên hệ cơ quan công chứng để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục giấy tờ, nội dung hợp đồng (thời hạn, thanh toán, thời điểm giao nhận nhà, giấy tờ tùy thân...)
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (trái), đang kiểm tra câu trả lời bạn đọc. Ảnh: H.GIANG
Ký, hủy bỏ hợp đồng chỉ cần một bên?
Bạn Nguyễn Thanh Tâm (quận Gò Vấp) hỏi: “Giấy chứng nhận đứng tên vợ chồng, một người ký sẵn vào hợp đồng chuyển nhượng để người kia một mình đi công chứng thì có được không?”.
“Theo khoản 1 Điều 48 Luật Công chứng (LCC) thì người yêu cầu công chứng phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt CCV” - bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, khẳng định.
Bà Thuận giải thích: “Vợ hoặc chồng có thể lên các tổ chức hành nghề công chứng ký trước, người kia lên ký sau chứ không thể ký trước, ký sẵn ở nhà. Thời hạn công chứng không quá hai ngày làm việc, nếu có nội dung phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc”.
Ký hợp đồng chỗ này, hủy bỏ nơi khác được không? Bạn Phạm Hương hỏi: “Năm 2015, tôi ký hợp đồng mua bán nhà, đất tại văn phòng công chứng. Nay hai bên đến UBND phường hủy hợp đồng đã ký được không?”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Triều, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận 1 (TP.HCM), khẳng định: Bạn ký hợp đồng tại văn phòng công chứng thì khi muốn hủy bỏ hợp đồng này bạn phải liên hệ với nơi đó để hủy. UBND phường không có thẩm quyền chứng thực hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp này.
Liên quan đến việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng công chứng, bạn đọc Phạm Huỳnh (huynhpham…@yahoo.com) thắc mắc: “Chồng tôi vay tiền của người bạn và phải ký hợp đồng công chứng bán nhà cho bạn. Giờ chồng tôi có được đơn phương hủy hợp đồng này?”. CCV Lê Thị Phương Liên, Trưởng Văn phòng công chứng Lê Thị Phương Liên, giải thích: “Theo Điều 51 LCC thì việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó. Như vậy, trường hợp đơn phương hủy hợp đồng mua bán nhà của chồng bạn là không thể thực hiện được”.
 
Chứng thực gây thiệt hại có bồi thường?
Bạn đọc Phạm Tuấn Khanh lăn tăn: “Nghe nói khi đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thì CCV chịu trách nhiệm (có gì họ bồi thường), còn đi chứng thực thì người yêu cầu phải tự chịu trách nhiệm, phải vậy không?”.
Bà Dương Thị Thanh Lan, Phó phòng Bổ trợ Sở Tư pháp TP.HCM, giải thích: “Trước hết phải hiểu công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau. Công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; CCV phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Trong khi đó, chứng thực là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ… của các bên tham gia hợp đồng. Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Trường hợp người thực hiện chứng thực gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức do lỗi của mình thì sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường theo quy định của pháp luật”.
______________________________
Theo Bộ luật Dân sự thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác). Ngoài ra, LCC 2014 quy định văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được CCV ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN,
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP TP.HCM
Kim Phụng
PLTPHCM

Các nhà đầu tư quốc tế đang đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường nghỉ dưỡng ven biển Việt Nam. Nhiều dự án tương lai dự kiến sẽ được ra mắt trong vòng một vài năm nữa, đặc biệt là ở Khánh Hòa và Phú Quốc.

Tốc độ tăng trưởng du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Việt Nam hiện là một trong những điểm đến du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi như lượng khách du lịch tăng, các thương hiệu khách sạn quốc tế mới gia nhập thị trường, chính sách thị thực được nới lỏng cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, nước ta cũng được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp trong danh sách top 5 các nước ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất, ước tính đạt 8 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9%/năm trong 5 năm vừa qua.
Với khí hậu nhiệt đới và bờ biển dài, khu vực ven biển là điểm đến ưa thích của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam. Theo số liệu thống kê. trong thập kỷ vừa qua, hơn 70% khách quốc tế lựa chọn du lịch biển Việt Nam trong các kỳ nghỉ của mình. Phần lớn lượng khách du lịch này đến từ các nước ôn đới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nga và Trung Quốc. Vì thế, các thành phố biển miền Nam và Trung bộ với khí hậu ấm áp quanh năm là những điểm đến được yêu thích nhất.
Từ năm 2010 đến 2015, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc tăng trưởng mạnh, xấp xỉ 23% mỗi năm và chiếm 30% tổng lượng khách cả nước.
Sự tăng trưởng lượng khách từ các quốc gia phát triển kéo theo nhu cầu nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú tiêu chuẩn, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Đầu tư xây dựng du lịch bùng nổ trong những năm vừa qua. Đặc biệt, năm 2015 ghi nhận số lượng phòng khách sạn 5 sao tăng vọt 37% theo năm, đạt mức tăng trưởng 24.000 phòng; trong đó 30% số phòng tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc.
Khách du lịch đến từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển là nguồn cầu chủ yếu của các khách sạn tên tuổi. Với mức thu nhập cao, lượng khách này chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch trong nước vốn thường chỉ lựa chọn khách sạn 3 sao hoặc thấp hơn.
Một resort ở Đà Nẵng.
Cơ sở hạ tầng và chính sách nới lỏng thị thực hỗ trợ phát triển du lịch
Sự phát triển của các sân bay quốc tế trong 5 năm vừa qua cũng là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Năm ngoái, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 6 triệu lượt, chiếm khoảng 80% tổng số khách đến. Các chuyến bay thuê bao của các đơn vị lữ hành từ những thị trường lớn như Trung Quốc và Nga tới Đà Nẵng, Khánh Hòa và kể cả Phú Quốc ngày càng phổ biến. Tính từ năm 2013, lượng hành khách mỗi năm đến sân bay Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc tăng trưởng lần lượt 21%, 34% và 45% mỗi năm.
Hơn nữa, chính sách nới lỏng thị thực cũng góp phần phát triển ngành du lịch. Trong năm 2015, 39% dân số thế giới có thể du lịch mà không cần xin thị thực visa trước, tỷ lệ này năm 2008 chỉ là 23% (theo UNWTO).
Nhìn chung, Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này bằng việc bắt đầu mở rộng chính sách miễn thị thực. Từ tháng 7 năm 2015, du khách từ Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha được miễn thị thực cho thời gian lưu trú không quá 15 ngày. Phú Quốc là nơi đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chính sách miễn thị thực cho tất cả khách lưu trú không quá 30 ngày. Chương trình miễn thị thực này nhắm vào các du khách từ các quốc gia phát triển với nguồn thu nhập dồi dào, gián tiếp góp phần cho sự tăng trưởng nhu cầu cho thị trường khách sạn cao cấp.
Bất động sản nghỉ dưỡng "hot" với các nhà đầu tư
Hiện Đà Nẵng là thị trường phát triển nhất, phục vụ cho nhiều đối tượng du khách, bao gồm các khách truyền thống và khách du lịch kết hợp công tác (MICE). Ngoài những bãi biển tuyệt đẹp, Đà Nẵng còn là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung. Phần lớn các khu nghỉ dưỡng cao cấp tọa lạc dọc bãi biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Trong năm 2015, công suất của phân khúc 5 sao đạt 67%, cao nhất trong ba thành phố nêu trên.
Trong khi phần lớn cơ sở lưu trú 5 sao ở Đà Nẵng là khu nghỉ dưỡng thì các dự án ở Nha Trang chủ yếu phát triển theo hình thức khách sạn trong thành phố nên giá thuê phòng trung bình (ARR) ở đây ghi nhận thấp hơn. Nguồn cung khách sạn cao cấp dồi dào ở Nha Trang đã tạo áp lực cạnh tranh lớn về giá phòng. Từ năm 2012, giá thuê phòng cho phân khúc 5 sao giảm trung bình 15% mỗi năm. Trong năm 2015, ước tính có thêm 1.400 phòng 5 sao gia nhập thị trường, tăng 68% theo năm đưa Nha Trang trở thành địa điểm sở hữu nguồn cung khách sạn cao cấp ven biển lớn nhất.
Theo khảo sát của Công ty tư vấn bất động sản - Savills Việt Nam, Phú Quốc mới gia nhập thị trường cao cấp với duy nhất hai khu nghỉ dưỡng 5 sao và đều mới bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Với 866 phòng, nguồn cung tại đây chỉ tương đương 20% của Đà Nẵng và 30% của Nha Trang. Nguồn cung khan hiếm cộng với chi phí hoạt động cao dẫn đến mức giá thuê trung bình khá cao, đạt 281USD/phòng/đêm, cao hơn Đà Nẵng và Nha Trang với mức giá trung bình lần lượt đạt 164 USD và 130 USD.
Biệt thự nghỉ dưỡng để bán là sản phẩm chủ chốt trong định hướng phát triển tại các địa phương này với nhiều lựa chọn về hình thức và giá cả. Sản phẩm căn hộ khách sạn (condotel) đang trở nên tương đối phổ biến với khách hàng trong nước.
Bán đảo Cam Ranh là một  điểm đến mới với nhiều tiềm năng du lịch. Tính đến cuối năm 2015, có hơn 30 dự án được cấp phép đầu tư, 13 dự án trong số đó hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến ra mắt trong một vài năm tới; hầu hết các dự án nằm dọc Bãi Dài và thuộc phân khúc 4 đến 5 sao. Sự phát triển sôi dộng của Cam Ranh đã thu hút được rất nhiều đơn vị quản lý quốc tế như Accor, Carlson Residor và Mövenpick.
Mặc dù phát triển muộn hơn nhưng thị trường Phú Quốc được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh chóng. Nguồn cung khách sạn 5 sao tuy còn khá hạn chế trong giai đoạn hiện tại nhưng đã thu hút rất nhiều các khoản vốn đầu tư lớn. Rất nhiều dự án 5 sao được phát triển trong giai đoạn 2016-2017, bao gồm Crowne Plaza Hotel, Novotel Resort, Sonasea Villas & Resort, và Sunset Sanato Premium Complex. Các dự án này đều được phát triển theo tiêu chuẩn phòng và dịch vụ của các thương hiệu khách sạn quốc tế như: InterContinental, JW Marriott, Accor và Starwood.
Theo Savills Việt Nam, hiện có nhiều các dự án nghỉ dưỡng mở bán sản phẩm biệt thự ven biển cao cấp, được quản lý bởi các thương hiệu quốc tế và đi kèm chương trình cho thuê lại. Mức lợi nhuận cho thuê được các chủ đầu tư cam kết trong thời hạn 3-10 năm là 6-10/năm. Tình hình kinh doanh của loại hình này khá khả quan nhờ thu hút được sự quan tâm của các người mua trong nước lẫn nước ngoài đang tìm kiếm một kênh đầu tư ổn định và tiềm năng. Giá của các căn biệt thự này dao động từ 400 ngàn đến hơn 5 triệu USD.
Lan Hương
HÀ NỘI MỚI

Có hai điểm chính được chú ý trong hướng dự kiến “cứu” Hoàng Anh Gia Lai...

Ông Đoàn Nguyên Đức, người đứng đầu Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhưng hướng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bước đầu đã được gợi mở.
Qua cuộc họp đầu tuần này, các ngân hàng chủ nợ đã thống nhất quan điểm, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, để cơ quan này xem xét, chốt lại những điểm nào vượt thẩm quyền thì có thể đề xuất hoặc xin chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ.
Hai điểm nhạy cảm
Như báo chí thông tin mới đây, có hai điểm chính mà các ngân hàng chủ nợ đề xuất để cơ cấu lại nợ cho HAGL, gồm: cơ cấu, gia hạn các khoản vay mà không phải chuyển nhóm nợ; thứ hai là Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng xử lý.
Cả hai điểm trên đều khá nhạy cảm, vì liên quan đến lợi ích, sự công bằng, trách nhiệm, vấn đề nợ xấu và thậm chí là cả câu chuyện dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hay không.
Một số thông tin bước đầu đưa ra lo ngại rằng, nếu thực hiện hai hướng hỗ trợ trên, Ngân hàng Nhà nước phải đối diện với áp lực dư luận về vấn đề nợ xấu tiếp tục bị lẩn khuất trong nhận diện; các ngân hàng chủ nợ được nhượng bộ về chi phí trích lập dự phòng khi nợ không phải chuyển nhóm; nếu thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ thì dường như đụng đến ngân sách và sự công bằng, vì có nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn mà không được hỗ trợ như vậy…
Riêng trường hợp HAGL và các ngân hàng chủ nợ, những lo ngại trên không phải là không hợp lý, thậm chí có yêu cầu về sự trả giá, trách nhiệm trong câu chuyện kinh doanh, cho vay và sử dụng vốn vay.
Tuy nhiên, cả hai điểm nhạy cảm trên, cũng như việc “cứu” HAGL, đặt trong thực tế chung của hoạt động ngân hàng, hoạt động của các doanh nghiệp, trong cơ chế chính sách của Việt Nam những năm gần đây, lại rất… bình thường.
Ưu ái riêng hay cá biệt?
Ở điểm thứ nhất, việc gia hạn nợ, miễn phạt, giảm lãi… của các ngân hàng đối với doanh nghiệp vay vốn là quyền của các ngân hàng thương mại, theo quy định của pháp luật.
Không chỉ HAGL, bất cứ doanh nghiệp vay vốn nào khi gặp khó khăn, các ngân hàng phải ngồi lại để tìm hướng tháo gỡ, hỗ trợ vượt qua. Để doanh nghiệp phá sản, siết nợ và thanh lý tài sản là bước cuối cùng.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đi cùng với quá trình trên là đề xuất không phải chuyển nhóm nợ của HAGL khi cơ cấu lại. Vì sao phải làm như vậy?
Ngân hàng sẽ bớt áp lực nợ xấu trên sổ sách, bớt phải trích lập chi phí dự phòng khi nợ không phải chuyển nhóm. Nợ xấu theo đó không được nhận diện đúng và đầy đủ. Đó là góc nhìn thẳng.
Nhưng nhìn vào mục đích cứu doanh nghiệp, khi nợ không phải chuyển nhóm, họ không bị xem là nợ xấu, để không bị chiếu theo quy định hiện hành mà không vay được vốn mới. Mặt khác, nếu bị nợ xấu, tín nhiệm của họ bị hạ, càng khó khăn trong làm ăn. Nếu nợ không bị chuyển nhóm, doanh nghiệp vẫn có cơ hội để tìm vốn khắc phục khó khăn, không bị sập cửa cơ hội mà có thể dẫn tới sập tiệm.
Vậy thì đề xuất trên có phải là ưu ái riêng cho HAGL không, có phải là cá biệt không?
Phía các chủ nợ mà VnEconomy tìm hiểu đều khẳng định: trước nay HAGL có lịch sử tín dụng tốt, vay trả rõ ràng và tuân thủ tốt các điều kiện, quy chế vay vốn.
Nay họ gặp khó khăn, điều không may là cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đã vừa kết thúc.
Cụ thể, trong ba năm qua, theo Quyết định 780 và chuyển tiếp trong Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước, hàng trăm nghìn doanh nghiệp khó khăn, cùng quy mô dư nợ từng lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng, đã từng được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm.
Chính sách trên đang từng tạo tiền lệ rộng lớn, quy mô lớn, thậm chí vẫn đang tiếp tục tại nhiều doanh nghiệp (và có lẽ cũng đã cứu được nhiều doanh nghiệp, góp phần để nền kinh tế không bị xấu hơn).
Đặt trong thực tế rộng lớn đó, đề xuất cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm cho HAGL không phải là ưu ái riêng và không phải là cá biệt.
Ở điểm thứ hai, đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng chủ nợ để tạo điều kiện hỗ trợ trong việc này, các quy định pháp lý cũng đã định sẵn.
Đó là quy định và cơ chế cho vay tái cấp vốn hiện hành. Trong quá trình hoạt động, bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng được phép “xin” vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề còn lại là họ có đáp ứng được các điều kiện mà cơ chế đưa ra hay không.
Lãi suất tái cấp vốn cũng được quy định cụ thể tại từng thời kỳ, không theo ý chí chủ quan của Ngân hàng Nhà nước cho bất cứ trường hợp nào (riêng lãi suất tái cấp vốn qua kênh trái phiếu VAMC phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Nếu có bất thường và có biểu hiện không công bằng trong hoạt động này, thì có lẽ phải sửa đổi và chặt chẽ hơn trong các quy định của luật.
Vì sao lại “cứu”?
Như trên, phía các ngân hàng chủ nợ khẳng định HAGL có lịch sử tín dụng tốt. Vậy thì, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng sập cửa cơ hội, bắt họ phá sản để thanh lý tài sản, thu hồi nợ không phải là biện pháp đầu tiên.
Thứ hai, bao giờ các bên cũng sẽ xem xét nguyên do khó khăn từ đâu. Theo các ngân hàng chủ nợ, cũng như nhận diện từ Ngân hàng Nhà nước, HAGL gặp khó khăn chính khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, do rủi ro khách quan và khó lường từ biến động giá trên thị trường thế giới (đặc biệt ở lĩnh vực cao su).
Với hai điểm trên, đương nhiên ngân hàng và nhà quản lý không thể quay lưng, nhất là khi rủi ro xuất phát từ lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích đầu tư.
Mặt khác, HAGL là một doanh nghiệp đối ngoại điển hình của Việt Nam, khi có các hoạt động đầu tư lớn tại Campuchia, Lào và Myanmar… Một phần lớn khó khăn cũng gắn với hoạt động đầu tư đối ngoại này.
Xem xét cứu doanh nghiệp khi khó khăn hơn là bỏ và buông ngay mà không hẳn rồi sẽ gọn. Nhưng chắc chắn cả HAGL và các ngân hàng chủ nợ sẽ phải khắt khe hơn khi đánh giá triển vọng phục hồi, triển vọng khắc phục những bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này, triển vọng thành công bền vững nếu được “cứu” và sau khi được “cứu”.
Còn ở góc nhìn của thị trường, đâu đó hẳn vẫn là một sự khắt khe và cả mong muốn: bao giờ trách nhiệm tiếp vốn, quản lý rủi ro và nhận diện nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam mới thực sự được xác định rõ ràng hơn?
Minh Đức
VNECONOMY

Trong 5 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt 4 trường hợp có hành vi thao túng giá chứng khoán với số tiền phạt 2,2 tỷ...

 
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh Thanh tra Chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm rõ và xử phạt 4 trường hợp có hành vi thao túng giá chứng khoán với tổng số tiền phạt 2,2 tỷ đồng.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh Thanh tra Chứng khoán, việc xử phạt nghiêm khắc này đã có tác dụng răn đe và đang góp phần giúp thị trường vận hành một cách minh bạch hơn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đâu là những điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo này, thưa bà?
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP nhằm đảm bảo thực thi các văn bản pháp luật mới (Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Nghị định 42/2015/NĐ-CP, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg...), đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự 2015, xử lý vi vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự, bổ sung các hành vi vi phạm về phòng chống rửa tiền...
Nghị định sửa đổi, bổ sung hành vi, chế tài để xử phạt vi phạm quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP như nghĩa vụ tổ chức phát hành, chào bán phải công bố báo cáo sử dụng vốn hoặc thuyết minh việc sử dụng vốn trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận; quy định về phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán...
Đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định sửa đổi, bổ sung hành vi để xử lý vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự theo 04 tội danh tại Bộ luật hình sự 2015, cũng như đảm bảo cơ sở xử lý hình sự đối với hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Các hành vi này dự kiến đều có mức phạt hành chính rất cao (200-300 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ...).
Hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 209 Bộ luật hình sự 2015.
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt một số trường hợp thao túng giá chứng khoán với mức phạt rất nặng lên tới 750 triệu đồng. Mức phạt này theo bà đã đủ sức răn đe chưa?
Đối với chế tài xử phạt hành vi thao túng giá chứng khoán, Nghị định 108/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013 đã quy định mức phạt cao, phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, đối với cá nhân đến 600 triệu đồng. Ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lời trái pháp luật (nếu có).
Thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt một số trường hợp vi phạm thao túng giá chứng khoán với mức phạt rất nặng.
Cuối năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt ông Trần Thanh Hữu với mức phạt tiền tối đa của khung phạt đối với cá nhân có hành vi thao túng thị trường là 600 triệu đồng, ngoài ra, ông Hữu còn bị xử phạt về hành vi sử dụng 2 tài khoản khác giao dịch mua bán cổ phiếu CMInhằm che dấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và hành vi thực hiện giao dịch chứng khoán không đúng quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt là 105 triệu đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm rõ và xử phạt 4 trường hợp khác có hành vi thao túng giá chứng khoán với tổng số tiền phạt 2,2 tỷ đồng. Việc xử phạt nghiêm khắc này đã có tác dụng răn đe và đang góp phần giúp thị trường vận hành một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự của cơ quan công an trong thời gian qua còn gặp khó khăn trong việc tính toán khoản thiệt hại vật chất để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự mới 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 ngoài quy định về thiệt hại vật chất đã bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm có thể định lượng là khoản thu lợi bất chính lớn từ 500 triệu đồng đối với tội thao túng.
Theo đó, đối với hành vi thao túng giá chứng khoán xảy ra từ ngày 01/7/2016 đối tượng vi phạm có khoản thu lời từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng luôn phối hợp tốt với các cơ quan công an trong trao đổi thông tin phục vụ điều tra tội phạm, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và sẽ làm gì để hạn chế các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, thưa bà?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn coi trọng và tăng cường công tác giám sát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi giao dịch có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán.
Việc giám sát, phát hiện xử lý đối với hành vi thao giá được thực hiện theo quy trình chặt chẽ: Sở giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát tuyến đầu phát hiện đối với các dấu hiệu bất thường, Vụ Giám sát thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát tuyến hai, sau khi phân tích sâu, thu thập thông tin tài liệu, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra.
Do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có thẩm quyền điều tra nên một số trường hợp có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán sẽ phối hợp với cơ quan công an để xác minh làm rõ.
Hoàng Xuân
VNECONOMY

Chỉ đam mê thì chưa đủ. Cái bạn cần là biến mình thành đặc biệt, thành khác biệt.


  • Bài học cuộc sống của vũ công ba lê trẻ tuổi này sẽ khiến bạn phải suy ngẫm

Thật không dễ để trở thành một vũ công Ba lê chuyên nghiệp và càng khó để trở thành vũ công chính của Ballet Theatre the American (ABT) – được biết đến là một trong những công ty múa tốt nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới từ năm 1940.
Chỉ với niềm đam mê thì chưa đủ. Cái bạn cần là biến mình thành đặc biệt, thành khác biệt.
Ở tuổi 29, Isabella Boylston rõ ràng là có nhiều hơn sự đặc biệt. Hiện nay cô cũng các nữ diễn viên ba lê chính trẻ nhất trong ABT- vị trí cấp cao nhất của công ty.
Sinh ra tại Sun Valley, Idaho trong một gia đình cũng không mấy khá giả với cha mẹ không có ai được tiếp xúc với Ba lê. Isabella bắt đầu bước ngoặt của cuộc đời mình khi theo học tại một trung tâm giải trí địa phương khi mới 3 tuổi.
Cuối cùng gia đình cô chuyển đến Boulder, Colorado và khi cô lên bảy, Isabella bắt đầu tham gia khóa đào tạo tại Boulder Ballet nơi khơi nguồn niềm đam mê theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp trong những điệu nhảy bốc cháy. Mười hai tuổi Isabella quyết định một bước tiến xa hơn khi cô theo học tại Học viện Bale Colorado, Denver.
Tại đây cô mất 2 giờ di chuyển bằng xe buýt mỗi chiều. Năm 2005, cô gia nhập ABT như một vũ công học việc và nhanh chóng sau hai năm cô trở thành thành viên của đội vũ công. Năm 2014, Isabella trở thành vũ công chính của ABT.
Isabella nổi tiếng với phong cách biểu diễn, với những bước nhảy vô cùng mạnh mẽ đầy đam mê. Hãy xem cô ấy múa và bạn có thể hiểu được tại sao nhiều nhà biên đạo vĩ đại nhất hiện nay như (Benjamin Millepied, Christopher Wheeldon, và Alexei Ratmansky) lại coi Isabella như nàng thơ để sáng tạo ra những gì thật đặc biệt dành cho cô.
Những vũ công ba lê chắc chắn là những vận động viên mạnh nhất và nhanh nhất thế giới. Thách thức đặt ra với họ là phải làm sao biến những động tác cơ thể kỳ công trông sao cho vừa đơn giản vừa duyên dáng. Isabella là sự kết hợp hiếm hoi của cả hai yếu tố này.
Tiếp chuyện với Isabella ngay lập tức bạn sẽ bị thu hút bởi sự khiêm tốn và sự tập trung của cô. Dành 26 năm để theo đuổi một giấc mơ, luôn kiên định một lòng một dạ với đam mê của mình và thành công đỉnh cao sẽ là món quà ngọt ngào nhất họ xứng đáng có được.
Một cái tên khác minh chứng cho điều này có thể kể đến là Federer và Jordan. Những thách thức mà Isabella đã phải vượt qua (cả về thể chất và tinh thần) con đường kiếm tìm thành công đã cho mỗi chúng những bài học quý giá về sự kiên định theo đuổi giấc mơ.
Không ngừng rèn luyện và trau dồi
Giáo dục luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của Isabella. Cha mẹ cô luôn dành một khoản cho phí bảo hiểm. Khoản tiền này sẽ được dùng cho những nghiên cứu sốt đời của cô và cho sự nghiệp vũ công. Để trở thành vũ công ba lê chính đòi hỏi tuân theo một kỷ luật nghiêm ngặt và có một sự cống hiến vị nghệ thuật không hề nhỏ mà bất kỳ ai trong chúng ta khó mà hiểu được. Isabella luôn suy nghĩ làm thế nào để không ngừng cải thiện các động tác múa của mình.
Isabella cho biết thêm: "Tôi cho rằng đó là năng lực cạnh tranh tự nhiên của mình. Nó khiến tôi tập trung vào việc hoàn thiện các kỹ năng kỹ thuật để trở thành một vũ công thực thụ. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được đến sự hoàn hảo. Vì vậy, chúng ta luôn phải vận động, cải thiện bản thân và phấn đấu nhiều hơn nữa. Tôi luôn tìm cách để thực hiện vai trò của mình với độ chính xác cao và bằng tất cả tâm hồn. Thậm chí với một vai diễn Odette / Odile trong vở Hồ thiên nga tôi đã diễn đi diễn lại rất nhiều lần nhưng tôi vẫn luôn cố gắng để hoàn thiện nó. Khiêu vũ là một phép ẩn dụ tuyệt vời cho bất cứ ai muốn theo đuổi cuộc sống và sự nghiệp tương lai , nó đòi hỏi kỷ luật, niềm đam mê, vẻ duyên dáng, và độ chính xác".
Học cách chấp nhận lời phê bình một cách nhẹ nhàng
Isabella nhớ lại: "Lần đầu tiên tôi gia nhập ABT, Tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn khi không thể chấp nhận được những lời phê bình. Tôi quá trẻ cả về tuổi tác lẫn trí tuệ, cảm xúc. Khi tôi đã trở nên thoải mái hơn với bản thân mình và tôi đã có những kỹ năng như một vũ công thực thụ, tôi nhanh chóng nhận ra rằng giáo viên hướng dẫn của tôi chỉ đang cố gắng để giúp tôi và đó không phải là một sự công kích cá nhân đối với một vũ công hay với một cá nhân nào đó".
Không ai thích bị chỉ trích, đặc biệt là khi việc hoàn thiện chính là mục tiêu. Nhưng những sai lầm chính là cơ hội cho sự hoàn thiện.Và cách đối mặt với những lời chỉ trích bằng sự nhẹ nhàng chính là dấu hiệu cho thấy bạn đã trưởng thành.
Có những cố vấn tuyệt vời quanh mình
Isabella cho biết "Tôi đã may mắn khi có những cố vấn tuyệt vời trong công việc. Susan Jaffe, một trong những vũ công lớn của Mỹ. Bà đã dành gần như cả đêm trong studio với tôi để chuẩn bị cho màn trình diễn Hồ thiên nga đầu tiên trong đời tôi. Irina Kolpakova và Julie Kent là hai trong số những cố vấn đã cho tôi niềm tin và tình yêu thương vô điều kiện".
Luôn quan tâm chăm sóc cả về mặt thể chất và tâm hồn
Thời gian tập luyện một ngày của Isabella gần như không đổi là 9 giờ. Trong mùa biểu diễn, thời lượng cho các buổi diễn tập có thể lên đến 11 giờ.
99% trong chúng ta không thể tưởng tượng được sự căng thẳng và sự đau đớn mà các vũ công đã phải trải qua. Trả lời câu hỏi của tôi về chế độ chăm sóc sức khỏe của mình Isabella nói, "Tôi cố gắng để được massage hàng tuần, ngủ chín giờ một đêm và dành thời gian ở các phòng tắm muối để giúp cơ thể dần hồi phục".
Đừng bao giờ ngừng mơ những ước mơ lớn
Mặc dù Isabella đang ở vị trí cao nhất tại ABT . Cô thừa nhận "Ước mơ cuối cùng của tôi" là "Sẽ có một điệu múa ba-lê đủ dài dành cho tôi. Bạn luôn luôn phải đặt những ước mơ cho mình và đó là một phần để biến chúng thành hiện thực".
An Chi
Theo Trí Thức Trẻ/Forbes