Sunday, August 2, 2015



15 năm đầu tư chứng khoán: 10 năm đầu tôi thua lỗ!
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng.
Là người “ngồi sàn” ngay từ những ngày đầu thị trường chứng khoán giao dịch phiên đầu tiên 15 năm về trước, ông Khánh chia sẻ mình gắn bó được với chứng khoán là bởi sự đam mê và cả do chữ “nợ”.
Vậy là thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua con số 15 tuổi, nhân dịp này BizLIVE đã có dịp trao đổi với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, một trong những ít thành viên thị trường ngồi sàn từ những năm 2000 hiện còn gắn bó với kênh đầu tư này.
Kỷ niệm chập chững vào nghề
Tham gia thị trường chứng khoán từ khi thị trường mới thành lập, ông có thể chia sẻ những ký ức giao dịch của mình những ngày đầu tiên?
Lúc thị trường mới thành lập năm 2000 tôi vẫn còn là sinh viên năm cuối. Thị trường thành lập ngày 20/7 nhưng tới ngày 27/7 mới giao dịch phiên đầu tiên. Lúc đó tôi có lên trên sàn ngồi tại Công ty chứng khoán BSC. Khi đó tôi chưa có cổ phiếu, làm quen được một chị ở sàn đó nhưng không biết gì về chứng khoán. Nhưng chị này lại là cổ đông của hai doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu đầu tiên trên HOSE là REE và SAM.
Vì cổ phiếu chị ấy nắm giữ lên sàn nên chị phải “canh chừng” vì không biết gì hết. Chị ấy bảo thấy sợ vì trước giờ chỉ cầm sổ còn giờ cổ phiếu niêm yết nên không biết ra làm sao, do đó lên sàn canh giống như kiểu canh con đi học.
Lúc đó, tôi cũng giải thích cho chị ấy. Chị thấy tôi cũng biết về cổ phiếu nên bảo hay là tôi đầu tư chung với chị thì chị sẽ cảm thấy an lòng hơn vì em có kiến thức. Nói thật kiến thức đấy là do tôi xem phim, đọc sách báo chứ có gì đâu nhưng hồi đó nó là một cái gì đó rất ghê gớm rồi!
Lúc đó có hai cổ phiếu mà tăng trần hoài, tăng miệt mài nên thực ra với số tiền đó của tôi cũng chẳng mua nổi và nhiều người cũng không mua nổi. Vậy là chị cho tôi ké tài khoản của chị với số tiền 100 ngàn đồng.
Giá cổ phiếu lên hoài thì chị ấy cũng cảm thấy sợ. Chị nói chưa bao giờ nhìn thấy lợi nhuận tăng một cách nhanh khủng khiếp như vậy. Từ hồi đến giờ một năm lời được 20% đã là ghê rồi mà giờ lời cả 100% một cách quá nhanh nên quyết định bán. Tôi có khuyên là không nên bán nhưng do chị ấy sợ quá nên vẫn bán nhưng bán một ít.
Sau đó giá cổ phiếu vẫn tăng giá. Thời điểm đó vì là sinh viên năm cuối bận thi cử nhiều nên tôi không theo dõi được. Mà lúc đó điện thoại di động thuộc diện hiếm, cước gọi cũng mắc nên việc liên lạc khó. Khi thi xong, tôi chạy lên sàn thì thấy chị ấy ngồi ôm bảng điện khóc. Tôi hỏi vì sao thì chị nói bực, không phải vì lỗ mà chị bán xong giá cổ phiếu vẫn tăng hoài. Thì ra chị bực vì tiếc!
Đó là kỷ niệm đầu tiên với sàn chứng khoán.
Ông còn nhớ diễn biến thị trường sau đó thế nào không?
Sau đó thị trường có thêm hai mã lên sàn nữa là LAF và HAP. VN-Index lên từ 100 đến hơn 570 điểm chỉ sau khoảng 1 năm. Tuy nhiên sau đó một năm, năm 2001 thị trường chứng khoán giảm khá mạnh bởi một số chính sách thắt chặt lại do thị trường tăng nóng quá, gần 6 lần chỉ trong một năm.
Một trong những biện pháp lúc đó tôi nhớ là một nhà đầu tư chỉ giới hạn được mua một lượng cổ phiếu nhất định, mua một mã cổ phiếu phải giữ ít nhất 6 tháng… Vì thế bà con trên sàn đua nhau bán ra và thị trường rớt xuống còn khoảng 130 điểm, tức là về gần vạch xuất phát vào năm 2003.
Sau đó thị trường phục hồi lại từ từ và lên đỉnh điểm vào năm 2006. Yếu tố tác động mạnh tới thị trường lúc đó là việc Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam năm 2006 và đánh cồng chiêng trên sàn chứng khoán Việt. Tôi nhớ, chỉ trong một năm mà thị trường tăng từ 400 lên hơn 1.200 điểm!
Nhưng sau đó tiếp tục chính sách thắt chặt lại thêm bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế nên thị trường bước vào chu kỳ giảm mạnh. Đó là khoảng năm 2008.
Ông có nhớ thời điểm nở rộ các công ty chứng khoán?
Những công ty chứng khoán thành lập ngay từ đầu là BSC, chứng khoán Agribank… Nhưng thời điểm hàng loạt công ty chứng khoán ra đời ồ ạt là khoảng 2006 khi mà VN-Index lên đỉnh.
Thời điểm đó có sự kiện mà những nhà đầu tư ngồi sàn khoảng 10 năm vẫn nhớ mãi. Đó là SSI ra quy định 100 triệu thì nhà đầu tư mới được mở tài khoản bên họ bởi vì nhà đầu tư mở tài khoản nhiều quá nhân viên SSI không phục vụ kịp. Có thể tượng tượng cảnh nhà đầu tư xếp hàng dài kiến kẹt xe cả một đoạn đường trên “Phố Wall” của Sài Gòn!
Việc tiếp cận thông tin thị trường, doanh nghiệp khi đó ra sao?
Lúc đó thông tin rất ít. Vì chỉ có mỗi bản tin giao dịch của Sở nên nhà đầu tư tranh giành, thậm chí phải đi sớm giành giật nhau để mua chứ không phải phát miễn phí.
Có một sự kiện đó là SJS phát hành thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:4, có nghĩa sở hữu 1 thì được 4 cổ phiếu. Theo đó giá sẽ điều chỉnh còn 1/4. Nếu bây giờ thì nhà đầu tư hiểu rõ điều này nhưng lúc đó họ đâu có biết. Họ hoảng loạn và đổ ra bán cổ phiếu vì họ không hiểu chuyện gì hết. Họ thắc mắc mã này chỉ trong vòng một đêm mà giá còn nhiêu đây. Khái niệm sụp sàn bắt đầu có từ giai đoạn nay.
Thời điểm đó những cổ phiếu như FPT, SSI, SJS rất là hot. Giá cổ phiếu FPT thời điểm đó lên tới hơn 600 ngàn đồng/cổ phiếu. Nhưng đây vẫn chưa phải là cổ phiếu vô địch lịch sử về giá mà là mã BMC. Cổ phiếu này đạt đỉnh ở 850 ngàn/cổ phiếu.

Ông Khánh cho rằng lòng tham và sự liều lĩnh dễ khiến nhà đầu tư thua trên chứng trường.
Lòng tham và sự liều lĩnh giết chết nhà đầu tư!
Những người bạn, nhà đầu tư mà ông tư vấn… hiện giờ còn nhiều người gắn bó với sàn chứng khoán?
Ngành này một trong những điều tôi cảm nhận rõ nhất là sự cô độc vì gần như không gặp lại người quen. Người chị mà tôi kể lúc đầu là những người đầu tiên ngồi sàn sau đó cũng “banh tài khoản” trong năm 2002, tức chỉ vài năm giao dịch.
Một người khác mà ngồi lâu với tôi nữa là một anh bạn mới từ bỏ chứng khoán hồi năm 2014 vừa rồi. Anh này tôi biết từ hồi năm 2003, sau đó trở thành Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhưng cũng rời sàn sau khi có thâm niêm hơn 10 năm gắn bó.
Trên sàn, có thể năm nay bạn thấy những nhà đầu tư này, năm sau sẽ thấy bớt dần những người cũ và thêm những người mới. Và tiếp tục như thế…
Vậy còn những người môi giới chứng khoán?
Cũng vậy thôi. Một năm thay mới nhiều lắm, vào mới cũng nhiều mà ra đi cũng nhiều.
Theo ông nguyên nhân là do đâu?
Thực ra bản chất thị trường chứng khoán là tốt. Vấn đề ở đây là lòng tham và sự đầu tư liều lĩnh của nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán vốn là nơi khó nhằn, nhưng vốn đụng đến tiền thì bản chất con người lộ rõ lắm.
Lúc 2006, không cần biết kiến thức gì chỉ cần mua chứng khoán là lời. Nhưng đã dẫn đến một nguy hiểm đó là nhà đầu tư tưởng như thế là dễ dàng. Họ kiếm tiền được nhưng không giữ được.
Tôi có một người bạn làm ở quỹ đầu tư. Hồi năm 2010 khi bị tổn thất nặng nề anh ấy có gọi cho tôi và nói tôi giới thiệu chỗ dạy cho anh ấy kiếm tiền do mắc nợ nhiều.
Bản thân tôi cũng phải làm thêm nhiều nghề để trả "cục nợ" từ chứng khoán. Năm 2009 tôi đi dạy sau khi thua lỗ trước đó vào năm 2008. Hồi đó tôi đâu có muốn đi dạy học nhưng buộc phải làm nhiều thứ để trả nợ.
Điều gì níu chân ông ở lại thị trường tới thời điểm này?
Đó là sự đam mê. Mê chứng khoán chứ không phải là đam mê tiền bởi tiền có nhiều nghề khác để kiếm. Thứ hai nữa đó là bị đam mê. Nói vậy chứ thực ra là do lỡ bị kẹt hàng. Nợ trong ngành này nó dễ sợ lắm. Ví dụ như bạn mở một cái quán cà phê vốn 1 tỷ, nếu bạn kinh doanh tệ lắm thì cũng phải mất một vài năm mới tiêu tan số vốn đấy. Nhưng trên sàn chứng khoán thì chỉ mất 15 giây là số tiền đó có thể “lên đường”.
Mà tôi quan niệm đã ngã chỗ nào thì đứng dậy trên chính chỗ đó. Bạn nghĩ tôi đi dạy thì có thể kiếm được tiền để trả cục nợ của chứng khoán? Không thể! Sau này cũng là từ chứng khoán tôi có thể trả nợ cho chính mình. Nhưng tôi vẫn đi dạy học và làm việc khác để thấy mình có thời gian thư giãn hơn. Tôi nghĩ nhà đầu tư đừng nên ngồi sàn, ngắm bảng điện nhiều, bởi đầu tư là cả quá trình…
Hiện nay ông thấy nhà đầu tư chuộng hình thức đầu tư lướt sóng hay đầu tư dài hạn?
Tôi thấy vẫn tồn tại cả hai. Dạng lướt sóng là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, họ thích lướt hơn. Nhưng dạo gần đây có hiện tượng các tổ chức đầu tư cũng thích lướt, thậm chí có những tổ chức chuyên lướt sóng. Ví dụ năm ngoái có những quỹ đầu tư nước ngoài họ lời khủng, trên 50% nhờ lướt sóng. Tuy nhiên do họ là quỹ lớn, tiền nhiều nên tâm lý họ tốt hơn mình, họ không xài margin nên không kẹt hàng. Nhà đầu tư cá nhân thì tiền không nhiều, thêm nữa xài margin nên muốn kiên nhẫn cũng không được như họ.
Ông thấy nhà đầu tư cá nhân hiện giờ kiến thức đầu tư ra sao?
Nói chung kiến thức họ có nhiều hơn. Tuy nhiên vấn đề của họ ở đây là vì kiến thức họ nhiều hơn, thông tin nhiều hơn nhưng do không chọn lọc nên dễ bị loạn.
Nói thiệt ở trên thị trường 15 năm nhưng 10 năm đầu là tôi thua lỗ, tức là vẫn có những giai đoạn kiếm lời nhiều nhưng tóm lại là lỗ. Mất 3 năm tiếp theo là trả nợ và mới chỉ “kiếm” được khoảng 2,3 năm gần đây, theo xu hướng ổn định và bền vững.
Ông có dự cảm ra sao về thị trường chứng khoán ở tuổi 15?
Theo tôi đánh giá ít nhất đến hết năm sau hoặc đến 2018 thị trường chứng khoán sẽ tương đối tích cực, từ về phía chính phủ với những chính sách, những hiệp định thương mại, kinh tế tăng trưởng vững…
Tuy nhiên vấn đề ở đây là những chính sách đưa ra cần phù hợp với nhà đầu tư, phù hợp với chuẩn quốc tế nếu không thì khoan hãy đưa. Bởi có thể thấy những quỹ ETF đưa ra rồi rơi vào yên ắng hay một số sản phẩm khác nữa. Ví dụ tôi thấy chúng ta đã đưa ra lệnh thị trường… nhưng nhiều nhà đầu tư họ đâu có dùng lệnh này, thậm chí nhiều người còn chưa nghe đến lệnh này…

0 nhận xét:

Post a Comment